CÁC ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU

  • Nghiên cứu về Đạo kinh doanh Việt Nam & Thế giới

    Đây là kết quả của một dự án nghiên cứu mang tên “Đi tìm đạo kinh doanh của Việt Nam và Thế Giới” do trường Doanh nhân PACE thực hiện, được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2007.

    Bộ sách bao gồm 10 cuốn, viết về cuộc đời và sự nghiệp của những doanh nhân huyền thoại trên Thế Giới và Việt Nam. Tập trung vào việc tìm kiếm “cái đạo”, triết lý cốt lõi trong sự nghiệp kinh doanh của họ, từ đó rút ra những bài học quý giá và đúc kết lại cho hậu thế.

    Ngoài những thương hiệu mang tính toàn cầu trải dài từ “Tây” sang “Đông”, bộ sách này khác biệt với sự xuất hiện của hai vị “doanh nhân huyền thoại Việt Nam” là Lương Văn Can và Bạch Thái Bưởi, với những tư tưởng tiến bộ vượt thời gian.

    Đến nay, đã 10 năm trôi qua từ lần xuất bản đầu tiên, dù cho một số tên tuổi thương hiệu đã không còn ở đỉnh cao của sự nghiệp như trước đây, nhưng triết lý và sứ mệnh trong kinh doanh của họ vẫn còn nguyên giá trị đến hiện tại. “Kiếm tiền hay phụng sự xã hội?” luôn là một câu hỏi đáng giá trong kinh doanh; “bán sản phẩm” hay “mang đến giải pháp” mới là tốt nhất?

    Mười cuốn sách được viết ngắn gọn, súc tích như những câu chuyện kể giản dị, với những quan niệm khác nhau từ nhiều lĩnh vực hoạt động này thực sự bổ ích cho những người quan tâm đến kinh doanh, những người đã, đang và sẽ trở thành doanh nhân trong mọi lĩnh vực. Bộ sách giúp cho mỗi cá nhân khi tham gia vào thương trường có được những góc nhìn đầy đủ về mục đích, đường hướng và chân giá trị từ lúc khởi sự cho đến khi phát triển vượt bậc, từ đó nỗ lực góp phần làm giàu cho bản thân, xã hội và đất nước.

    Với mong muốn đóng góp nhiều hơn cho xã hội, trường Doanh nhân PACE đã và đang cố gắng đưa những giá trị trường tồn này đến tay độc giả, những con người góp phần thay đổi thế giới, thông qua những tựa sách mang nhiều tâm huyết. >>Xem tiếp

  • Nghiên cứu về Nhận thức hội nhập của Doanh nghiệp Việt Nam

    Sáng ngày 28/12/2015, tại Khách sạn Majestic, TP. HCM, Trường Doanh nhân PACE đã tổ chức Tọa đàm Công bố kết quả Dự án nghiên cứu khảo sát “Nhận thức hội nhập kinh tế quốc tế của Doanh nghiệp Việt Nam”. Nghiên cứu này được thực hiện và hoàn tất trong bối cảnh Việt Nam vừa kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chuẩn bị chính thức thành lập vào ngày 31/12/2015. Đây được xem là hai trong số những sự kiện kinh tế có thể ảnh hưởng lớn đến tương lai nền kinh tế VN.

    Dự án nghiên cứu đã cung cấp những dẫn chứng khách quan và khoa học về thực trạng nhận thức của DNVN về hội nhập kinh tế và các yếu tố ảnh hưởng đến nhận thức hội nhập. Nghiên cứu khảo sát này có thể được xem là nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam tìm hiểu sâu và tương đối toàn diện về nhận thức hội nhập của DNVN thể hiện qua mức độ quan tâm, sự hiểu biết của doanh nghiệp đối với những nội dung quan trọng của cả ba hiệp định kinh tế quốc tế mang tính khu vực (AEC, TPP) và toàn cầu (WTO).

    Nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của 493 doanh nhân đại diện cho doanh nghiệp Việt Nam (DNVN). Đa số các doanh nghiệp (DN) có trụ sở chính tại các tỉnh thành ở khu vực phía Nam, đặc biệt là Tp.HCM, một thành phố được xem là “đầu tàu” kinh tế của cả nước.

    Kết quả dự án Nghiên cứu “Nhận thức hội nhập của Doanh nghiệp Việt Nam” nằm trong chuỗi “Hoạt động Nghiên cứu” do Trường Doanh Nhân PACE thực hiện lần này đã góp phần khẳng định và mở rộng thêm nhận định có cơ sở khoa học về nhận thức hội nhập của DNVN và các yếu tố tác động mà các nghiên cứu trước đây đã phần nào thực hiện. Nghiên cứu này cùng với các nghiên cứu khác sẽ mang lại ý nghĩa thiết thực nhằm cảnh báo, thúc đẩy cộng đồng DNVN nỗ lực tăng cường nội lực và đồng thời, mang ý nghĩa khuyến nghị các cơ quan hữu quan của Nhà nước, các nhà hoạch định chính sách khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý và tiếp tục cải thiện bộ máy hành chính nhằm giúp DNVN tận dụng tốt các cơ hội mà hội nhập kinh tế mang lại, vượt qua những rào cản đã được báo trước, từ đó hội nhập tích cực vào cộng đồng kinh tế thế giới khi mà tốc độ toàn cầu hóa đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ như hiện nay.

Nghiên cứu

Đối tác toàn cầu của PACE